Monday, December 29, 2014

Dòng sông quê hương





 Một giọng hát đả đi về cõi vĩnh hằng và cho đến bây giờ vẫn ko có giọng hát nào sánh được . Ngay cả hơi giống cũng chưa có . Ngọc Lan hát được nhiều thể loại nhạc - từ nhạc Việt đến nhạc Pháp, Mỹ - tiếng hát Ngọc Lan như có một ma lực quyến rũ người nghe, như lời thì thầm kể lể của người tình với người tình. Nhưng tiếc thay cho một người tài hoa nhưng bạc mệnh ! 
"Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu"
Vĩnh biệt Ngọc Lan
"Một ánh sáng chói lọi nay đã tắt". 


Giờ đây mỗi lần nghe lại tiếng hát này làm tôi nhớ đến những năm tháng ở quê nhà, ở một chân trời, một bờ bến, phẳng lặng, bình thản như những buổi chiều êm ả trôi qua mang theo những cơn gió nhẹ mỏng hạt sương mai, hòa tan trong những tia nắng reo vui, hân hoan ca khúc bình minh. Những chợt đến , chợt đi trong đời sống tự nhiên, không gượng gạo. Ngọc Lan, người nữ ca sĩ khả ái nhất của nền tân nhạc hải ngoại, hương thơm của những mãnh đời lưu vong, tiếng hát thánh thót của những tâm hồn phiêu bạt. Trong đời sống ly hương, chúng ta đã mất mát quá nhiều. Chúng ta phải giã từ những gì yêu dấu và thân thương nhất, ai trong chúng ta cũng đều mong có một tâm hồn thật nơi quê cũ. Ngọc Lan, là một trong những biểu tượng. Người con gái đó đến từ biển Đông, từ nửa vòng quay của địa cầu, từ nghìn dặm mù khơi, vẫn còn có được một trái tim rất Việt Nam.”







                         http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gifhttp://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gifhttp://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif

Saturday, December 13, 2014

Mai ta về


Mai ta về chỉ một mình trên lối
Con đường trần dài quá đến tận đâu
Không còn biết chỉ mênh mông lòng vỡ
Không còn đau chỉ vạn vật u sầu

Mai ta về bên hiên trời đông xám
Không còn ai chỉ còn đám mưa buồn
Thế mới biết cõi đời là cõi tạm
Ngỡ chừng quen đâu biết lệ tìm vương

Mai ta về tự ru tình khúc cuối
Gió trên rừng gầm rú gọi mùa đông
Ta gọi ta thì thầm mùa quên tuổi
Không nắng hồng ,không xuân hạ buồn không ?

Mai ta về chờ sương rơi lên tóc
Trả nợ tình trên con dốc nghiêng vai
Trả nợ đời bao năm tháng đã vay
Xin tay trắng nhẹ nhàng như mây trắng ...

 http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gifhttp://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gifhttp://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif


Saturday, November 29, 2014

Tháng mười một



Tháng mười một nghe sầu rưng rức
Rải hạt buồn xuống vũng cô đon
Mặt trời đi bỏ người ở lại
Núi trơ mình sương phủ chiều thôn

Tháng mười một ai đem mưa tới
Thả vào hồn cái lạnh mùa đông
Rừng u tịch biết ai còn đợi
Đàn chim di xếp cánh như lòng

Tháng mười một buồn hơn thế kỷ
Gió trở mình lùa khói sương mây
Những nụ hoa về mơ cổ tích
Chôn xuống đời từng cánh thơ ngây

Tháng mười một dài miên man khúc
Ong bướm về lịm giấc ngủ mê
Ta còn ta loi ngoi mưa ướt
Cõi mơ hoang chưa biết đường về

Tháng mười một khoanh tay mơ ướt
Bó gối chiều nép góc hoàng hôn
Nghe cô đơn choàng vai khe khẻ
Tình bao giờ tô lại nét son ...


http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gifhttp://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gifhttp://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif


Lá rơi

Bài đã đăng ở Yahoo Blog





Lá rơi

 ( sáng tác Nguyễn Tâm Hàn)

Lá rơi, lá rơi luyến tiếc Thu đi
Nao nao, nao nao ngọn gió đông về … cuộn lá trên đường
Xác lá vàng bay bay ngập lối

Gió thu, gió thu cuốn lá lao xao
Tâm tư bâng khuâng lạc tới phương nào
Tách cà-phê khói loang bay
Thoang thoáng hương đưa ……..nhớ người

Đêm bơ vơ nghe tiếng gió ngỡ ai tìm về
Chợt mơ ước ta có bên nhau
Cơn hoan mê… mình trong lá lá thu trong mình
Niềm hạnh phúc …một thoáng mơ hồ

Lối thu vút nhanh thoáng gió heo may
Lao chao , lao chao cành lá khô gầy … vàng úa khung trời
Luyến Thu tàn cây tuôn lệ lá

Lá ơi, lá ơi lá gói tim yêu
Thu đi vưong mang một nỗi u hoài
Cuối trời con gió đi hoang
Mơ bóng ai nơi xa vời



     Tôi nghe bài hát của anh giữa buổi sáng chủ nhật yên bình . Làn sương nhẹ phủ mờ trên từng nóc phố. Hàng cây lặng lẽ rung rinh theo từng cơn gió đang chao . Từng ngụm nắng đang ướm như mật trên tóc lá. Len lõi qua kẽ tay , quấn vào lòng nỗi nhớ xa xăm , ấm áp, diu êm trong sự đằm thắm của ca từ và những giọt đàn ghita réo rắt.

Thanh âm vút cao như gió cuộn bay, như tiếng xạc xào, như những trở trăn về đây, về đây bên cội cây lộc vừng vừa mùa trút lá. Tôi thả lòng mình theo tiếng nhạc đu đưa, cho tháng năm dừng lại, cho ký ức chợt xanh, cho men tình dậy sóng. Bài hát về một chiếc lá thu rơi mà tôi ngỡ hồn mình chơi vơi đang rơi theo vòng xoay , đang bất tận vì những lắt lay xam xám một ngày đông giá.

Ai cũng biết cuộc đời không bao giờ bất biến, nó tồn tại theo những quy luật chặt chẽ như những vòng lượn sóng hết 4 mùa nắng , hạ, thu, đông . Xuân như một gam màu tươi tắn , hân hoan, đem tình yêu hạnh phúc đến bao nhà, để rồi hạ sang , phượng đỏ bừng lửa cháy. Những cánh phượng đốt cả đất trời , rực rỡ , đỏ au trong sắc trưa vàng ruộm làm kẻ bồi hồi khi cháy hết cánh phượng sẽ về đâu ? Như định luật mưa – nắng dãi dầu sang thu , nhẹ nhàng những cơn gió lạ. Gió đi hoang, gió ùa về , gió xoay quanh em hối hả. Gió rủ rĩ , rầm rì, gió nâng bước chân đi . Gió làm lá chênh chao, lá biết cuộc đời nhỏ nhoi biết bao . Trong cái khoảng không gian bàng bạc ấy , nó muốn lìa xa tất cả để yên bình nép dưới cội cây

Mở lòng
Trút nhựa nuôi cây
Vẫn vơ thoáng nhẹ
Mênh mông tình đời
Xa xôi một nỗi luân hồi
Em về
Vun gốc
Cho chồi
Lại xanh ….

Nó sẽ sàng rơi , sẵn sàng về lại với tro bụi thời gian, sẵn sàng trở về làm một kiếp luân hồi để một mai tưới cho đời những ngọt ngào xanh thẳm. Đừng tiếc, đừng thương, đừng vấn vương bởi mùa thu dù đẹp quá, bởi có gì là tất cả khi cái vô cùng không giới hạn phải vậy không ?

Lá rơi, lá rơi luyến tiếc Thu đi
Nao nao, nao nao ngọn gió đông về … cuộn lá trên đường
Xác lá vàng bay bay ngập lối

Gió đang đưa lá bay, gió đang vương trên khóm cây , gió như những thanh âm làm lá rung rẩy chao đảo . Đẹp lắm - xào xạc dưới chân tiếng chiếc lá óng ả, từng chiếc lá dâng sắc xanh cho đời đang làm một cuộc chia ly. Màu vàng đã nhuốn thắm một ước mơ, màu vàng nhuộn thắm những con đường để Em là mùa thu dịu êm, em vương trên lối nhỏ , lá cuốn bước chân xa để thoang thoảng hương café lồng trong điệu nhạc như một sự tình cờ trong ảnh hình người con gái tần ngần trước tách cappuccino phủ bọt cream trắng lóng lánh.


Bài hát mang theo hơi thở của mùa đông khi ngắm xác lá đã khô quắt quay vì quá khứ chỉ còn lại tâm hồn chỉ còn lại phút giây cho ta gắn kết ước mơ xa.

Lối thu vút nhanh thoáng gió heo may
Lao chao , lao chao cành lá khô gầy … vàng úa khung trời
Luyến Thu tàn cây tuôn lệ lá


Có ai hay lá rơi lệ giữa mùa yêu thăm thẳm, có ai hay lá làm một cuộc chia tay vì vốn dĩ sự định đoạt giữa cuộc đời. Ngày nào Lá sẽ rơi, ngày nào Lá xa tôi, ngày nào cây lắt lay cho hình bóng lá chiều nay , gửi tương tư cuối trời. Tôi nhớ lời người trăn trở, tôi nhớ về một ngày rồi lá sẽ xa bay . Nấng níu chỉ còn lại những giọt nhựa ứa trên thân cây, những vết cắt ngọt ngon , những vết thương còn chưa băng kín, từng giọt lệ long lanh …lệ trên mắt lá khắc vào thân cây xù xì..rằng gió cuốn lá bay …

Lá ơi, lá ơi lá gói tim yêu
Thu đi vưong mang một nỗi u hoài
Cuối trời con gió đi hoang


Da diết như tiếng gọi, mơ hồ như tiếng ai trao, bềnh bồng sương khói buổi chiều nào ta lang thang những bước chân phiêu lãng. Mặc định lòng mình giữa những u hoài , giữa những tàn cây thắp lá. Ai thắp dùm ngọn lửa sưởi vòng vèo con đường cuốn lá rơi rơi . …

Cám ơn anh đã viết hộ cảm xúc qua những ca từ chắt vào không gian và tạc vào hồn tâm tình còn mênh mông những rung động. Nghe như tiếng gió đùa cùng lá, nghe như tiếng gió đang lao xao, tiếng hát lời ca chắt theo từng giai âm , giọt giọt đàn đệm cùng tiếng hát da diết , tha thiết , trìu mến của ca sĩ Tuyết Mai. Tôi nghe lâng lâng khi tiếng gọi Lá Thu ….như tiếng gọi nơi xa xăm…giấc mơ cho tôi lướt qua một vườn cổ tích …Những chiếc lá nhảy múa , chao đảo giữa tiếng gọi lạc vần , giữa tiếng gọi xa khuất ... Có lẽ hình ảnh lãng mạn của mùa thu và những chiều lá rụng luôn là cảm hứng muôn đời không ngừng nghỉ cho những tâm hồn nghệ sĩ. Người bạn blog, người anh cả của chúng ta, nhạc sĩ Nguyễn Tâm Hàn cũng không thể dừng được cảm xúc trước những hàng lệ lá tuôn chảy giữa một mùa vàng úa khung trời. Chắc hẳn, bên tách cafe loang khói hôm nào, anh đã nao nao nhớ về những hoài niệm cũ, thưở rất xưa và rất dịu êm, có thể là một góc Sài Gòn với Bà Huyện Thanh Quan, Ngô Thời Nhiệm, Duy Tân...luôn chao nghiêng những hàng me bay mỗi độ thu về! Tôi chợt nghe như tiếng lá vàng đang khe khẽ khóc dưới những ngón guitar nửa réo rắt nửa bập bùng. Và bỗng thấy gợi lại trong ký ức những giai điệu tha thiết mà ai oán của Đặng Thế Phong. Đó chính là cái chất trữ tình, nhẹ nhàng và dặt dìu của âm nhạc Việt. Muôn đời vẫn thế. Cho dù trải qua bao thời đại, bao biến cố thăng trầm, bao đổi thay của cuộc sống, các nhạc sĩ Việt Nam vẫn luôn giữ được sự tinh túy trong giai điệu cũng như ca từ rất đẹp, rất mượt mà. "Lá rơi" của NTH, với tôi, ấn tượng nhất là phần nhạc intro. Có lẽ anh đã tạo một xúc cảm ban đầu cho người nghe từ dòng chảy của suối nhạc đấy - hay đó chính là tiếng lá rơi? Mỗi người có một nhạc cảm riêng. Riêng tôi, đó là "lời của lá"! ... Nhạc phẩm Lá rơi khiến tôi nhớ lại một kỷ niệm buồn. Mà thường thì ai ai cũng có những kỷ niệm buồn phải không ? Một ngày nào đó, một chiều nào đó, giữa trời thu xao xác lá rơi, chợt thấy tim mình sao toàn xác lá. Những vàng khô cả một thời ảo ảnh, một thời ngu ngơ.  Nguyễn Tâm Hàn nói đúng, trong cơn hoan mê ấy - thấy mình trong lá - lá thu trong mình. Có phải đó chính là tâm cảm chông chênh, hoang hoải...? Những hoài niệm vụt qua vụt lại, lắt lay như lá và thơm hương mùa thu! Xin cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Tâm Hàn và bài hát thật buồn!
SN

Khi

Bài đã đăng ở Yahoo Blog





KHI ...
Khi buồn …nhặt chữ làm thơ
Giấu vào trong đó chút mơ để đời
Sóng nghìn trùng , sóng xa khơi
Vầng trăng cũng thế …cuối trời mông lung
Thế gian muôn nẽo mịt mùng
Biết đâu tìm những chung cùng …có không ?
Và sông vẫn mãi là sông
Vẫn hoài xoay chuyển lớn ròng …thế thôi !
SN  (tháng 9/11/12)

http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif


-----

Có thể nào

Bài đã đang ở Yahoo Blog

Có lẽ rồi mình chẳng nợ nần nhau
Thu đến vội để qua mùa gió bấc
Đường em đi nắng xuân vàng chất ngất
Lỡ lầm nào cũng quên mất vậy thôi!

Có thể mai này mây cũng còn trôi
Ta vớ vẩn tìm đường đi xứ lạ
Có thể nào cuộc đời hoài sa ngã
Cho tối đen về phủ góc chân trời

Có thể nào là bão giông cạm bẫy
Mặt trái cuộc đời như đã trắng đen
Tìm ở đâu ngọn đuốt sáng chong đèn
Nung mạch máu cho tim mình sống lại...

Có thể nào thả buồn đi xa ngái
Về phía tinh cầu gặp những yêu thương
Kể nhau nghe những mẫu chuyện hoang đường
Của một thuở nhân gian nhiều gian dối !

Có thể nào phủi sạch bao tội lỗi
Nhẹ nhàng hơn khi chiều lạnh trên vai
Ta sẽ đi đi mãi cuộc lưu đày
Im thinh thít đêm nghe mình tiếng nấc...!

SN

http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gifhttp://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif

Saturday, November 15, 2014

Hai chiếc bóng


Hai chieác boùng

Cụ Khôi  lập cập đứng dậy, loạng choạng bước, tý nữa thì cụ ngã nếu không vịn kịp vào mép bàn. Tính cụ vậy, lúc ốm nằm một chỗ rên hừ hừ, nhưng cứ tỉnh là gượng ngay dậy, làm như cụ sợ nếu không ngồi lên được là sẽ không bao giờ còn dậy được nữa. Có điều cụ quên, đôi chân cụ đâu phải lúc nào cũng tuân theo mệnh lệnh của trung tâm thần kinh não bộ, vì nó yếu rồi, những sợi gân chằng chịt ràng lấy chiếc xương đùi, nay đã chùng xuống kéo theo  lớp da bèo nhèo bọc có tý thịt nhão nhoẹt.
Thấy có người đến thăm, cụ mừng, cơn bệnh có vẻ lui được phân nửa. Khách là một người đàn ông tuổi trung niên, cũng quanh quẩn gần nơi cụ ở, các con ở xa quá, thôi thì “bán anh em xa, mua láng giềng gần” vậy. Cụ lại ốm luôn, ốm luôn mà không chết, nhì nhằng dăm bữa nửa tháng rồi khỏi, bởi vậy đối với con cháu chuyện ấy là thường, chừng nào hữu sự thì đã có nhà thương, chết thì mang vào nhà  quàn, cuối cùng đến nhà thờ rồi ra nghĩa địa là xong việc. Đấy là cụ chưa nghĩ tới cái nhà dưỡng lão, nghe thiên hạ kể khi nào đến đấy thà chết còn sướng hơn, vì vò võ nằm chờ con cái đến thăm, khi con về  mắt cứ nhòa đi như trời mưa.
Cụ Khôi run run rót trà vào tách mời khách, dù sao ở đây cũng còn hàng xóm chạy đi chạy lại. Tính cụ chu đáo, lúc nào cũng có bình trà nóng đặt trên bàn, sáng nào người giúp cụ đã phải lo chuyện ấy. Một vài giọt nước rớt trên mặt bàn, tay chân run rẩy, cụ không còn vén khéo được như mấy năm trước. Cụ đẩy cuốn “album” lúc nào cũng để kề một bên đến trước mặt khách, khoe:
“Cậu xem mấy tấm hình chụp hôm các cháu làm lễ kỷ niệm sáu  mươi năm của tôi và ông cháu, các cháu về đủ cả. Gớm hôm ấy sao mà lắm khách thế, những là bạn bè của các cháu, hiếm khi mà vợ chồng sống đến răng long đầu bạc đấy cậu ạ, không mất ông thì cũng mẻ bà, ai cũng bảo nhà tôi có phước.”
Cụ nhướng mắt lên để nhìn cho kỹ tấm hình kế bên:
“Đây, gia đình anh con cả, hai vợ chồng với bốn đứa con, thằng cháu đích tôn của tôi sắp ra bác sĩ, con em lại học dược, mấy đứa bé nay mai cũng theo các anh các chị mà tiến lên. Chỉ buồn các cháu không thạo tiếng Việt, thấy ông bà chỉ lắp bắp mấy câu rồi trơ mắt ra nhìn, mình  muốn hỏi han gì cũng đành chịu, chúng nó cứ nhe răng cười”.
Thấy khách chăm chú xem, không ngớt khen những cháu xinh, cháu tốt của cụ, cụ như  được uống ly nước giải nhiệt giữa trưa hè:
“Cái hình cậu đang xem là nhà cô con gái thứ hai. Cô ấy tuổi Dần, cao số nhưng lại có số lấy chồng quan, mệnh phụ phu nhân đấy. Sang bên này, hai vợ chồng cũng đỗ đạt cả, các cháu tôi đứa nào cũng ăn học tử tế. Chúng nó ở tuốt bên Cali, bên ấy mát mẻ lắm cậu nhỉ?”
Khách cười, khen chị con gái của cụ nay đã trung niên mà vẫn mượt mà, xinh đẹp:
“Thế cụ đã sang chơi với các anh chị và các cháu lần nào chưa?”
Nghe khách hỏi, cụ trầm ngâm một chút, giọng ngùi ngùi:
“Ấy đã, chúng tôi có ở với các cháu một thời gian, nhưng cậu xem, mình thì già, chúng nó trẻ, đi làm suốt cả ngày, giờ đâu mà hỏi han đến cha mẹ, ông bà. Ở nhà buồn, vẽ ra công này việc nọ cho vui, các cháu bảo cứ để nhà cửa bề bộn, lôi thôi, bẩn thỉu. Cậu xem, hai người già suốt ngày quanh ra quanh vào với cái Tivi, xong lại ngắm mấy bức tường, ông lão nhà tôi ủ rủ như tàu lá héo, ốm cũng không dám rên, sợ phiền con cái. Cửa nẻo đóng im ỉm suốt ngày như lô cốt, bịt bùng quá, chịu không nổi, khóc, chúng bảo mình dở hơi, dở hám. . .”
Giọng cụ nhão ra như sắp khóc:
“Thời buổi này nó khác rồi cậu ạ, nhớ quê quá thể, biết vậy cứ ở bên ấy cho xong.”
Mắt cụ Khôi rưng rưng, như sắp khóc thật, khách vội vàng an ủi mấy câu cho cụ bớt xúc động. Cụ lại rót trà thêm cho mình, cho khách, dù nãy giờ chưa ai uống miếng nào, tự nhiên có một nỗi ngậm ngùi nào đó, khiến chủ khách cùng im lặng. Khách lại ngắm nghía hai tấm hình của hai cụ được phóng lớn ra thật rõ nét, đẹp như tranh. Trong hình, cụ bà phấn son rực rỡ, con rồng lượn trên nền gấm tía, vòng ngọc xanh biếc trên cổ cụ trông óng ánh rất mỹ thuật. Cụ ông nhỏ bé gầy gò hơn, đầu đội khăn đóng, lọt thỏm trong chiếc  áo gấm xanh có những chữ thọ vàng, mặt cụ buồn buồn một vẻ chịu đựng như người bị ép ăn trong lúc đã no. Khách suýt soa khen ảnh đẹp, nét ảnh quá sắc nét làm nổi bật những quần áo, vòng ngọc lóng lánh. Cụ Khôi cười nhăn cả mặt, hàm răng giả đã được tháo ra khiến trông cụ già hơn, nhưng lại có vẻ hiền hậu hơn người trong ảnh :
“Đẹp không cậu? chỉ tội ông lão nhà tôi trông hom hem quá. Sang đây đồ ăn, thức uống thiếu gì mà vẫn không nuốt được, ăn cứ như đấm vào mồm. Hai cái hình này tôi đã nhờ người phóng lớn ra, mai sau. . .”
Cụ lại cười gượng để dấu nỗi xúc động:
“Phải không cậu? Mai sau mình có chết, chúng nó có cái để trên bàn thờ, chết thì cũng phải làm sao cho đẹp mặt con cái. . .”
Lần này thì cụ Khôi không cười nữa. Lâu lắm rồi các con cụ ít đến thăm, chỉ hỏi han qua điện thoại. Thấy con than bận, cụ đành dấu diếm không dám than thở. Các con bận bịu quá, các cháu bận bịu quá, ngay cả hôm cụ ông ngã trong nhà tắm thì cũng chỉ có người hàng xóm tốt bụng đưa đi nhà thương. Vài hôm ông lão khỏi, khi các con hỏi thăm đến cha mẹ thì mọi việc đã bình thường.
Một chốc, cụ lại lập cập đứng dậy, loạng choạng đi, khách vội vàng đỡ cụ, vẻ ái ngại. Cụ chụp lấy chiếc gậy, xua tay  rồi bảo khách:
“Không sao, cậu ngồi đấy chơi để tôi đi lấy cho  xem hình tôi ngày còn trẻ. Bây giờ mắt mờ đặc cả, nhưng lờ mờ cũng thấy đời thay đổi nhiều, chả có gì chống chỏi nổi với thời gian.”
Cụ vào buồng, lúc trở ra, một tay chống gậy, một tay khệ nệ ôm  chiếc hộp hình chữ nhật bọc vải đỏ, khách vội chạy đến đỡ lấy cái hộp hình cho cụ. Bên trong lại mấy lớp giấy đã ngả vàng, có lẽ ít khi nào cụ sờ đến, chiếc hộp gói ghém cẩn thận như những đồ tẩm liệm ràng xung quanh một xác chết, khiến khách càng ngậm ngùi. Cụ run run mở những sợi giây cột bên ngoài hộp, đẩy hộp ảnh về phía khách:
“Đây này, cậu đoán xem dạo ấy tôi bao nhiêu tuổi?”
Khách nâng chiếc ảnh lên để nhìn rõ hơn. Một giai nhân của sáu mươi năm về trước, cặp mắt biếc, đôi mày vòng cung tuyệt mỹ, bờ môi mọng, mái tóc chải lượn phía trước và thả dài ra phía sau:
“Đẹp quá, đẹp quá, rõ là một giai nhân, cháu đoán độ ấy cụ chỉ mười tám.”
Cụ Khôi cười sung sướng, mặt cụ có bao nhiêu nếp  nhăn:
“Hai mươi bốn, hai đứa con rồi đấy, thế mà ra đường bao nhiêu người quay cổ lại nhìn. Ông lão nhà tôi dạo ấy đang làm công chức của chính phủ,  mỗi lần lễ lạc, các ông to bà lớn ngồi đặc trên khán đài. Tôi bận con ít đi đâu, phần ông ấy lại hay ghen, cứ thấy ai khen mình đẹp mặt lại sưng lên. Nhanh thật, mấy mươi năm cuộc đời trôi nhanh như bóng câu vù qua cửa sổ, ngày trẻ tôi cứ hay ra bờ hồ nhìn nước lững lờ trôi, nước thì cứ lững lờ còn người thì rõ là bao nhiêu thay đổi. Có sống được đến chừng này tuổi, trải qua bao nhiêu dâu bể cuộc đời, mới thấy chả có gì tồn tại mãi."
Giọng cụ ngậm ngùi quá, khiến lòng khách chùng xuống nỗi thương cảm. Ánh nắng chiều hắt vào cửa sổ, bụi hoa quỳnh ở góc phòng rũ xuống mấy bông hoa héo. Thấy khách nhìn, cụ lại tiếp:
“Cậu có thích xem hoa quỳnh nở không? Dạo trước mỗi lần hoa nở, hai vợ chồng tôi cứ pha một bình trà thơm, nhấm nháp tý bánh đậu xanh chờ đến khi nào hoa tàn mới đi ngủ. Bây giờ chán rồi, hoa gì chỉ nở có một khắc về đêm , sáng đã tàn, người ta bảo giai nhân cũng thế, hẩm hiu bạc phận đến thế là cùng.”
Chiều nay, chỉ là một chiều chớm thu mà chừng như gió đã se sắt luồn vào lòng người một nỗi buồn vô tận,  cái buồn như len vào cây cỏ, hai mảnh đời già dường như muốn héo quắt lại, khách nghe tiếng ho húng hắng của cụ ông ở buồng trong.
“Trời đổi gió là ông ấy lại ho, thuốc uống mãi đâm lờn, nhưng không uống để cả đêm cứ khúc khắc mãi như thế chịu không nổi. Ấy đấy! Cứ thấy gió thu về lại nhớ những mùa thu Hà Nội ngày xưa độ tôi còn trẻ, chiều chiều bồng con ra chờ ông ấy đi làm về, nhìn lá me bay đến thích mắt. Cậu nhỉ? Nhớ quê quá cậu nhỉ, cả những năm ở Sài  Gòn, cứ Tết đến là trời  như dịu đi, gió thổi hiu hiu, bây giờ ở đây cũng gió, mà sao lòng mình dửng dưng chẳng thấy gì cả. Từ ngày sang đây đến nay tôi nào biết Tết là gì, con cái ở xa lại đi làm, khi nào tiện chúng nó mới thăm mình được. Anh con cả dạo trước làm việc ở đây, sau bảo đời sống khó khăn lại di chuyển đi chỗ khác, tuốt trên miền Bắc. Thôi, tôi chẳng đi đâu cả, trên ấy lạnh lẽo lại không có người đồng hương, mình cứ nghĩ như vẫn ở Việt Nam, các con ở xa có gần gũi mình đâu.”
Cụ bắt đầu kể sang chuyện khác. Nào là cái chân bị bệnh phong thấp, những ngày sang đông hành hạ cụ ghê gớm. Nào là bệnh cao mỡ trong máu, không hiểu sao lại có mỡ trong máu khi cụ suốt ngày chỉ ăn có lưng bát cơm cùng một chén súp, hay tý rau luộc với muối vừng. Nào là bệnh tiểu đường, đấy là thứ bệnh gây khốn khổ cho bao người, dư cũng không được mà thiếu cũng không xong, cái nào cũng dễ dàng lăn đùng ra. Cụ trách trời sao cứ trớ trêu, đẻ ra bao nhiêu thứ bệnh tật mà bấy nhiêu thứ cụ lãnh đủ, những lúc trẻ tuổi mong đến lúc già được thảnh thơi, nhưng cứ thảnh thơi để suốt ngày nghĩ đến bệnh tật thì thà chết phứt đi cho rảnh nợ.
Nghe cụ than, khách chỉ biết an ủi:
“Người ta như cái máy ấy cụ ạ, bao nhiêu năm phải làm việc quần quật, nay đã đến lúc rệu rã, khéo tu bổ thì cũng chỉ ì ạch chạy thế thôi, chứ bảo tốt thì không làm sao tốt được.”
Cụ gật gù:
“Cũng như cái cây mình trồng phải không cậu, cứ thiếu phân, thiếu đất, thiếu nước là không lớn lên được, mà già cỗi thì phải chết, có khi chưa già cũng chết. Hàng ngày, tôi nghe Đài phát thanh cái mục “Nhịp cầu  thương yêu”, thì cứ y như rằng trăm  cái buồn mới có một cái vui, mà tuổi nào cũng chết, lá vàng chưa rụng lá xanh đã rụng rồi. Tiếc là tiếc những người trẻ, chứ già lão như chúng tôi trời có cho về cũng có gì mà tiếc.”
Khách có vẻ muốn cáo từ ra về, nhưng cụ hình như vẫn còn nhiều nỗi băn khoăn trong lòng:
“Này cậu ạ, không hiểu một cái đám ma bây giờ tốn độ bao nhiêu , nghe nói cả chục ngàn phải không cậu?”
Thì ra cụ lại lo đến chuyện hậu sự, khách cũng thường thấy có những người già nghĩ ngợi cả chuyện ma chay cho mình ngay lúc đang sống. Khách còn trẻ, làm gì đã có kinh nghiệm việc này, nhưng cứ tội nghiệp hai cụ già sống thui thủi với nhau như hai chiếc bóng, lúc nào cũng vấn vương chuyện lúc nằm xuống không ai lo. Khách lựa lời an ủi:
“Những cái ấy cháu thiết nghĩ cụ không phải lo, vì lúc mình chết rồi, phần ấy để dành cho người sống. Nhiều tiền thì bày vẽ rình rang, mời năm bảy thầy chùa tụng kinh,  năm bảy cha làm lễ đồng tế, nhưng giá trị của sự cầu nguyện thì giống nhau ở chỗ lòng thành, và cũng ở cái nghiệp của mình nữa cụ ạ. Cho nên điều cụ cần nghĩ tới lúc này, là sự hỉ xả cho thân  tâm an lạc, mọi sự trên đời chỉ là phù vân, có đó rồi mất đó, cụ sẽ thấy lòng nhẹ nhõm để sống nốt quãng đời còn lại.”
Cụ chép miệng:
“Ấy đấy, tôi cũng chỉ mong có thế, nhưng những lúc chỉ có hai vợ chồng già sống còm cõi với nhau, tôi chỉ sợ lúc mình nằm xuống, không có ai. . .”
Khách muốn cười to lên để lấp đi cái lo lắng, ưu tư lấn cấn trong lòng bà cụ già tội nghiệp, nhưng tiếng cười dường như nghẹn lại không thoát ra được:
“Cụ đừng nghĩ vớ vẩn cho thêm buồn. Bằng cách này hay cách khác, mộ lớn mộ nhỏ gì thì tất cả cũng chỉ là tro bụi, đất lại trở về với đất, đấy là định luật của Trời, phải không cụ? Chẳng xem đó là trọng, thì cái gì cũng nhẹ như bông, vậy lại khỏe lòng cụ ạ.”
Nắng đã đậu lại trên bực thềm, chiều xuống mau, bụi cúc vàng trước hiên vẫn rung rinh theo cơn gió may vừa thoảng qua, làm buổi chiều như rùng mình đi theo những chiếc bóng. Cụ  ông từ trong nhà, nghe có tiếng nói chuyện lào xào ngoài phòng khách, cũng lần mò ra lặng lẽ ngồi vào chiếc ghế quen thuộc của cụ ở góc phòng. Khách hỏi, cụ cười ngu ngơ không trả lời, lơ đãng ngó theo một chiếc lá khô rơi ngoài sân, nhìn cụ như cậu học trò đang tuổi mộng mơ, ngồi trong lớp học mà hồn vẫn mơ theo cánh bướm bay ngoài cửa lớp. Cụ bà bảo khách:
“Ông nhà tôi không nhận ra cậu nữa đâu, lẫn rồi. Dạo năm ngoái còn tỉnh táo, nhưng lúc ngã bận nữa thì từ đấy nghễnh ngãng luôn. Thấy ai đến cũng thích ra ngồi đấy, nhưng không biết ai, và cũng chẳng hiểu gì. Bảo ăn thì ăn, bảo ngủ thì ngủ . . .”
Giọng cụ chừng thổn thức hơn:
“Sống như chiếc bóng, hai chiếc bóng. . .”
Âm thanh của mấy chữ  “hai chiếc bóng” như dội vào lòng khách một cung đàn bi ai, khiến bóng chiều càng thêm u uẩn, có những tiếng cười, tiếng khóc âm ỉ trong lòng, không bật ra được để vơi đi nỗi hắt hiu trong những mảnh đời khi tuổi già bóng xế. Nhớ đến những tấm hình con xinh, cháu tốt của cụ trong ngày mừng Đại Thọ của hai cụ mấy năm trước, khách bỗng thấy bùi ngùi khôn tả, chỉ muốn nói với cụ rằng:

“Cụ đừng lo. Chắc chắn là khi hai cụ nằm xuống, con cháu cụ sẽ làm đám ma thật chu đáo, có đầy đủ thân bằng quyến thuộc và mọi người quen biết.”
NN   .... Mùa Thu 2006 .
Photobucket


Sunday, November 9, 2014

Tác phẩm viết giữa mênh mông







Cả khu chung cư này gọi hắn là gã khùng, thằng điên hay là ông dở người, hắn chỉ mỉm cười tha thứ. Đối với họ hắn chỉ biết cười ngô nghê như trẻ con, chứ riêng hắn, hắn mới biết mình độ lượng đến đâu, lòng thương hại, nỗi trắc ẩn ấy chỉ mình hắn hiểu khi bọn người lớn mặc kệ lũ trẻ con giễu cợt hắn. Hắn đã thấy nhiều người gầm lên khi cho là mình bị ai xúc phạm, dù người ấy đã được đọc nhiều sách vở nói về cái “ta” của một thực thể, chỉ là hạt bụi vô thường giữa sắc sắc, không không. Dưới mắt hắn, lũ người bảo hắn khùng điên ấy cũng đã từng điên khùng, quanh quẩn trong cái khổ của họ mà họ chưa có can đảm bộc lộ ra bên ngoài cái vỏ của một con người, là vì họ đã khéo léo che đậy được, chứ mở được lòng nhau ra, chưa biết ai điên ai tỉnh.
Hắn là một người điên chữ. Hắn mê sách vở hơn tất cả mọi thứ sinh thú của cuộc đời, cũng chính vì đọc nhiều quá mà hắn đâm rối loạn, mê tỉnh với những điều hắn đọc được. Hắn đọc đủ loại, có những tác phẩm hay, có những tác phẩm dở, mỗi một tác phẩm lại bơm vào đầu hắn một ít suy nghĩ trăn trở, đủ cả hỉ nộ ái ố, đủ cả diễm tình, thù hận, vô luân khiến  hắn bị “tẩu hỏa nhập ma”. Vô tình, những tác phẩm của nhiều tác giả đã dàn thành một mặt trận ẩu đả lẫn nhau trong óc hắn, không biết có nên kết tội cho văn chương đã làm băng hoại tâm hồn hắn, hắn không chết được để cứ thế ngẩn ngơ.
Một ngày kia hắn bỗng ngơ ngẩn thật, đi lên đi xuống mấy con đường trong khu chung cư, rồi hắn đi ra biển để hàng giờ cứ lòng vòng trong khu nghĩa trang. Hắn không nhìn ai, lúc nhìn trời, cười, lúc lẩm bẩm câu gì đó trong mồm, cả ngày hắn chỉ thích nói vu vơ với những nhân vật không có thực rồi lại cười một mình. Vợ hắn cho là hắn bị ma ám, còn người đời lại bảo hắn khùng. Hắn đã có một kho tự vị trong đầu, khùng, điên, man man, cám hấp, dở hơi, rồ, tưng tửng, không bình thường đều có nghĩa ám chỉ một người như hắn.
Trước tiên là hắn quên ngay cái việc phải đi làm để kiếm sống. Hắn làm nhiều quá rồi, từ thuở vào đời hắn đã được học để chuẩn bị làm việc, khi ra đời hắn phải lăn xả vào để kiếm miếng cơm nuôi thân,  không được ỷ lại vào người khác. Lúc lấy vợ rồi có con, hắn phải làm việc bằng hai, chỉ vì người ta bảo hắn là trụ cột của gia đình. Hắn cứ bị cột chặt vào những vòng luẩn quẩn liên hệ của gia đình và xã hội, đời chả mấy khi vui. Từ lúc điên, hắn quên khuấy ngay cái người đàn bà sống chung với hắn, và cả những đứa con thì hình như không có vẻ dính dáng đến hắn cả. Mỗi ngày, họ bày biện ra đấy cho hắn một phần cơm, hắn lặng lẽ ngồi vào ăn khi bụng đói, hắn lặng lẽ dọn dẹp, lặng lẽ ngồi một mình ngoài hiên đọc sách, ngắm nhìn thế giới loài người bằng ánh mắt xa lạ.
Hắn là một người điên hiền lành không làm phiền cho ai, nhưng người ta vẫn không để hắn yên. Vợ hắn lôi hắn đi nhà thương, hỏi gì thì hắn cũng chỉ cười, nghe rào rào như các nhân vật đang độc thoại trong một tác phẩm. Hắn thú vị thấy anh bác sĩ tâm thần giơ hai tay lên trời, chịu thua không khám phá nổi con người của hắn, bởi vì anh ta hỏi gì thì hắn cũng chỉ cười, nụ cười an nhiên tự tại mà hắn nhìn thấy được trên bức tượng Phật ở ngôi chùa miền quê, hồi còn nhỏ hắn theo mẹ đi chùa, đã có lúc bắt chước nhắm mắt mỉm cười như Phật. Anh ta hỏi gì hắn cũng chỉ cười, như cười vào mũi những kẻ chẳng ra gì mà cứ hay dí mõm vào cuộc đời của người khác, anh ta cỡ nào mà soi thủng nổi tâm hồn của một con người kỳ dị như hắn.
Hắn được cho uống thuốc, uống nhiều, ngủ nhiều, thức dậy thì cuộc đời vẫn vậy, không thay đổi, không đẹp hơn hay xấu đi. Bỗng dưng hắn thấy mình phải viết, cần phải trang trải những suy tư về cuộc đời lên giấy. Hắn thấy không có thứ bút mực nào đủ sức chuyên chở những điều hắn cảm nhận được bằng cái bình mực đầy ắp trong tâm hồn hắn, đơn giản nhất là cứ chấm ngón tay vào ngực, nơi có trái tim, nơi bình mực có sẵn trong người rồi viết lên khoảng không những gì hắn muốn viết. Thứ giấy của trời sao đẹp thế, trong suốt vô ngần, có khi bàng bạc một màu xanh, có khi ửng hồng như má môi người thiếu nữ, lại nõn nà như tơ, không phải bật đèn khi trời tối, không gửi gấm, đăng tải đó đây để mọi người bình phẩm lôi thôi.
Hắn thích viết vào những buổi sáng khi mặt trời vừa lên, chiếu ánh sáng vào cõi đời tối tăm chật chội này, đời lại thêm một ngày đáng ghét. Có thể là buổi chiều khi hoàng hôn xuống, lũ chim chóc đã gọi nhau về tổ, hắn ngồi đấy ngắm nghía ông đi qua bà đi lại, nghe cây cỏ rì rào, than thở. Trong hắn như dục dã hắn phải viết, cứ thế chấm ngón tay vào ngực, viết nhoay nhoáy vào khoảng không , đó là lúc  hắn đang viết truyện đấy.
Truyện của hắn nhiều lắm, không ai đọc được nên không ai biết hắn viết gì, chứ hắn thì nhớ từng tác phẩm. Khi viết xong, hắn viết một chữ HẾT thật to, rồi mỉm cười nhẹ nhõm. Có lúc hắn cười hoài với một câu chuyện dí dỏm, có lúc cũng xúc động ứa nước mắt với những tác phẩm buồn. Hắn đã viết xong câu chuyện của một cặp vợ chồng già, sống hẩm hiu với nhau trong khu chung cư, con cháu họ thành đạt cả nhưng không ai chịu sống chung với cha mẹ. Có lẽ tại các cụ khó tính. Có lẽ tại xứ này người ta quan niệm hai chữ Tự Do cao cả hơn đạo lý con người, cho nên mặc nhiên xem đấy là điều phải chấp nhận, không có nghĩa là bất hiếu theo quan niệm Á Đông, không có gì đi ngược với nền văn minh của khoa học và kỹ thuật hiện đại.
Hai cụ già dạo còn khỏe mạnh, cụ bà ngồi xe lăn vì chứng đau đầu gối, cụ ông cũng ngót nghét tám mươi, nhẫn nại ì ạch đẩy chiếc xe lăn cho cụ bà đi chợ, đổ rác. . . Hai cái mồm móm mém, bốn con mắt nhăn nheo, hấp háy cùng cười với hắn mỗi lần gặp, chào hắn tử tế dù biết hắn được gọi là người khùng của khu chung cư. Hắn tưởng tượng năm, sáu mươi năm trước, khi cụ bà là một cô gái xuân mặn mà, cụ ông là một thanh niên hùng dũng, trẻ trung, họ có thể là một cặp uyên ương lý tưởng mà bao người phải thèm thuồng, mơ ước. Mấy mươi năm trôi qua để đâu biết rằng đời có lúc lại hẩm hiu đến thế. Hắn đặt tên cho tác phẩm là “Hai chiếc bóng” trên một nền trời mênh mông màu tím ngắt, như một bức phông đẹp và buồn cho ăn nhịp với cái buồn bã của cuộc đời, sau chữ THE END to tướng, là hình ảnh hai cụ già lủi thủi đẩy xe đi loanh quanh trên con đường đầy lá vàng khô, mỗi lúc lôi ra đọc bằng sự hồi tưởng hắn lại ngậm ngùi ứa ra mấy giọt lệ.
Đấy là một tác phẩm buồn, còn có lúc hắn cũng viết được những truyện vui, trào lộng, qua hình ảnh ông hàng xóm to béo hay chọc ghẹo, trò chuyện với hắn những chuyện chẳng ra đâu vào đâu. Ông ta đã được hắn cho vào tác phẩm “Người hàng xóm” với lối viết trào lộng, chỉ có hắn với trời mới biết được. Ông ta hay hỏi hắn với lối xách mé của một bậc đàn anh hay bỡn cợt, tưởng như hắn là con chó, con mèo đùa chơi cho đỡ buồn:
“ Sao chú mày? Cơm nước gì chưa?”
Ông cười hề hề, vô duyên không ngửi được. Hắn cũng yên lặng cười, mắt nhìn trời, không nói năng. Ông ta tiếp:
“ Suốt ngày nhìn trời, ở đấy có gì mà nhìn mãi thế?”
Mặc ông ta nói, hắn chỉ cười. Hắn có cái bình tĩnh, dịu dàng mà những người tỉnh táo hiếm khi có được, cái im lặng như một câu trả lời  ông hàng xóm to béo lúc nào cũng bô lô, ba la, vậy mà khi mụ vợ quát lên, ông nem nép như rắn mùng năm. Không biết ông ta làm gì, thỉnh thoảng thấy ông ta diện đẹp, đi với một đám người cũng ồn ào như ông ta, mụ vợ bĩu môi, nhìn theo với một cái nhìn rẻ rúng. Họ cãi nhau hoài, những lúc ấy chỉ nghe tiếng mụ vợ ong óng rủa sả, còn ông ta ngậm câm như hến. Một buổi chiều ăn cơm xong, hắn ra sân nhìn trời, xỉa răng, ông to béo chỉ trần xì cái quần cụt, áo thung ra sân tưới cây, hôm ấy hắn mới nghe ông ấy nói một câu chí lý:
“ Lắm lúc tao cũng muốn điên như chú mày mà không điên được. Đời chán bỏ mẹ”..
À, có thế chứ! Hôm đó hắn mới biết ông hàng xóm đã nói một câu chân thật nhất, chí lý nhất, câu nói phát xuất tự đáy lòng của một con tim chân chính, hóa ra có lúc con người đã cả đời phải dấu diếm nỗi đau khổ.  Thì ra có người cũng ao ước cái điên của một thằng điên. Hê, hê! Có bị  đời cột chặt vào những gông xiềng của trăm thứ bổn phận, mới thấy cái Tự do khi rũ ra được những thứ của nợ đó. Hóa ra ông to béo cũng chán đời, chán cái không khí nặng nề trong gia đình, chán vợ, chán con, cái mà người ta ngó vào lại cho là ông ta đang hạnh phúc.
Hắn lại viết, vẫn lối chấm tay vào ngực viết lên trời, tác phẩm “Ông Hàng Xóm” được tả rất tỉ mỉ từng tiếng tru tréo và nét mặt hậm hực của người vợ mỗi khi cãi nhau, bước chân nặng nề của người chồng, cánh cửa xập thật mạnh làm rung rinh nhà hàng xóm. Khi viết xong, chữ HẾT lại được viết nắn nót trên một nền trời xám xịt, đang ngả sang màu đen, với những tia chớp ngoằn nghoèo báo hiệu một cơn giông tố.
*   *    *
Những ngày không có gì để viết hắn lang thang ra bờ biển, cách khu chung cư mấy con đường đi tìm ý. Bên kia là biển xanh, bên này trên triền đồi thoai thoải là một khu nghĩa trang, những ngôi mộ sơn trắng toát bằng nhau nằm im lặng trong một thế giới không còn màng đến nhà cao cửa rộng, không còn tranh đua cao thấp như xã hội loài người. Ở phía ngoài là một cái nhà quàn bằng đá xám, cũng im lặng nốt. Hôm nào có người mới hắn thấy xe đậu đầy ngoài sân, ánh đèn hắt lên từ cánh cửa đóng im ỉm, u ám như một ngôi mộ lớn. Đi ra đi vào là những khuôn mặt ảm đạm của người sống, quần áo kịt một màu đen, những lúc ấy dường như con người mới thấm thía tận cùng nghĩa “vô thường” của cõi nhân gian.
Chỉ hôm nào đến khu nghĩa trang, hắn mới có cảm giác đi vào một khu toàn những người lịch sự, thích sự yên tĩnh và biết tôn trọng tư duy của người khác. Bỏ lại sau lưng khu chung cư đủ mọi hạng người, đủ mọi âm thanh, đầy mùi vị, mỗi lần đến đây hắn lại có cảm giác được trở về nhà, một thôn xóm bình thường, nhà ai nấy ở, họ có cái yên tĩnh của những trang giấy trắng đầy chữ, yên lặng mà lại nói biết bao nhiêu.
Con đường này hắn đi qua mộ của cụ Mary, cứ xem qua cách trình bày trên bia mộ thì cụ Mary người ở vùng Arizona , nơi ấy chỉ có núi đá và sa mạc, đồi trơ trụi, cây thưa thớt, khí hậu nóng và khô. Chắc cụ lấy chồng rồi trôi giạt sang đây, và khi chết gửi nắm xương tàn trong khu nghĩa trang ven eo biển vắng. Hắn về nhà nghiên cứu cuốn địa lý và thổ nhưỡng nước Mỹ,  biết ở đấy chỉ có xương rồng và loại cây thấp, lá nhỏ như lá me keo là sống được. Mấy lần hắn đều tạt vào thăm cụ, lại trồng cho cụ một cây xương rồng có hoa vàng hắn xin được của một nhà trong xóm. Hắn biết nếu còn sống, cụ bà Mary chắc hẳn rất hài lòng trước tấm lòng của hắn, khi nhìn thấy cây xương rồng biểu tượng cho vùng quê hương cằn cỗi, nóng khô người nơi cụ chào đời đã mọc lên ở đây. Ấy là tự hắn “suy bụng ta ra bụng người”, khi đi đâu, bất ngờ nhìn thấy một khóm chuối, một bụi trúc hắn lại thấy lòng dấy lên nỗi nhớ quê kỳ dị. Ngõ vào nhà hắn năm xưa có một bụi trúc mát rượi, có mái nhà tranh, có bà mẹ già, có bụi chuối xiêm bên hè, khoảng sân đất nóng ran bàn chân mỗi trưa hè, vậy mà sao vẫn nhớ, vẫn thương đến thế.
Cạnh nhà cụ Mary là nhà anh David, hắn cứ gọi là nhà cho tiện, vì người sống có nhà, người chết có mồ mà lại. Anh ta là một chiến sĩ Không Quân, chết trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam . David chết trẻ lắm, mới hai mươi bốn tuổi, sao anh ta lại lạc lõng ở nơi này trong khi hàng ngàn, hàng ngàn bạn bè anh chen vai thích cánh trong những nghĩa trang Quân Đội rộng lớn. Chắc nơi đây là chốn quê nhà, chim có tổ, người có tông, cha mẹ anh đã mang con về đây cho gần gũi, hai cái thân già một năm đôi ba lần ghé vào để chua sót, ngậm ngùi, thương tiếc đứa con bạc phước.
Cái cảnh này không lạ gì đối với hắn. Ngày xưa, thuở hắn còn trẻ, thời chiến tranh Nam Bắc đang hồi khốc liệt, bạn bè hắn khối người đã ra đi như thế, mới buổi sáng còn giơ tay chào nhau, buổi chiều đã ra người thiên cổ. Hắn sợ nhất phải nghe tiếng khóc nức nở của người còn ở lại, sợ những đôi mắt ngây dại nhìn đăm đắm vào khoảng không để tìm lại những ảnh hình của người thân đã mất. . .
Đã nhiều lần hắn ngồi bệt xuống ngôi mộ của David để trò chuyện với anh ta như một người bạn, vì dù sao anh ta đã từng đổ những giọt máu cuối cùng trên quê hương hắn. Dưới bóng cây phong, hắn nhìn ra mé biển phía bên kia, ở đấy suốt ngày sóng vỗ vào ghềnh đá, ì oạp, xói  mòn vào bờ tạo nên những hõm tối âm u. Ngoài xa là biển xanh vẫn rì rào sóng vỗ, một đôi chim hải âu chao lượn trên sóng nước, như hình ảnh hai chiếc phi cơ đang bay theo đội hình, bất chợt chúi xuống mặt đất để thả bom vào mục tiêu của chiến trận. Không hiểu David có bao giờ nhìn ra hình ảnh ấy, như hắn đã nhìn thấy những trận đánh kinh hồn nơi quê hương của mình. Ngày sinh và tháng sinh của David đã gợi cho hắn nhớ về dĩ vãng, cũng hắn những ngày tháng đó, cũng những lần vào sinh ra tử để rồi có một ngày bật khóc khi không biết mình là ai. Cuộc chiến ấy đã nuốt chửng đi hàng triệu sinh linh, hầu hết là những người vô tội, cuối cùng thì hắn tơi tả như chiếc mền rách, còn David lại về nằm ở nơi đây, khi linh hồn đã bay về nẻo hư không.
Hắn cứ tò mò muốn biết anh ta đã nghĩ gì về Việt Nam, đã bỏ gì ở Việt Nam, chắc chắn là có, những giọt máu của anh ta đã đổ xuống trên một chỗ nào nơi vùng đất xa xăm bên kia bờ đại dương, vì lý tưởng cho hai chữ Tự do mà anh ta nghĩ là ai cũng phải hưởng đồng đều như nhau. (...)
Hắn thì thầm nói chuyện với người lính Mỹ chết trận năm xưa, rồi múa may viết lên trời câu chuyện “Người lính Mỹ chết ở Việt Nam ”. Công nhận David đẹp trai, nét mặt hiền, dưới chiếc calô đội lệch, anh ta lúc nào cũng cười, đôi mắt anh mơ mộng như khói sóng, lúc nào cũng như muốn bảo hắn rằng:
“Thôi đi anh bạn tội nghiệp, đời như một chỗ tạm, ghé qua rồi lại về, hơi sức đâu mà ngậm ngùi, tiếc nuối.”
Cũng phải thôi, một ngày nào đó hắn cũng sẽ trở về với đất như David, hắn ao ước cái thân xác này được thiêu ra thành tro bụi, được hòa tan theo sóng biển, để linh  hồn hắn được lặn ngụp trong cái mát mẻ của đại dương. Về đâu bây giờ? Chỗ nào cũng có loài người hiện diện, một sinh vật siêu đẳng chuyên môn tìm cách làm khổ lẫn nhau, nhân danh đủ thứ chuyện để bắt con người vào cái vòng “kim cô” oan nghiệt không lối thoát. Có lẽ phải hỏi David chuyện này, vì chỉ có anh ta mới có câu trả lời trung thực nhất, như người hàng xóm to béo đã có lúc buột mồm ao ước điên khùng để được yên thân. Nhưng David cũng chỉ im lặng, nhìn hắn cười như hắn cũng chỉ im lặng nhìn trời cười một mình.
Câu chuyện của David hắn đã viết xong, hai chữ THE END trên nền trời nửa sáng nửa tối, giữa cõi bên này và cõi bên kia chỉ đi bằng một bước chân. Hắn vẽ thêm hình ảnh một chiếc trực thăng đang là là đáp xuống một bãi cỏ trống nửa vàng, nửa xanh, lố nhố những chiếc nón sắt, lòa nhòa hình ảnh vài thân cây cháy đen vì bom đạn.
*     *     *
Nhiều tác phẩm của hắn đã được viết bằng mực của hắn và giấy của trời, mỗi bố cục của truyện có lồng vào một bối cảnh thật của cuộc đời muôn mặt. Hắn đã lặng đi, miên man với tác phẩm của mình, trong những buổi chiều ngồi trước sân nhà sau bữa cơm, hay những lúc lang thang trong khu nghĩa trang bên eo biển vắng. Hắn là một người điên hiền lành, một chứng nhân của cuộc đời ít là ở một khoảnh khắc nào đó, là một nhà văn không tên tuổi nhưng lại viết rất nhiều những gì hắn cảm nhận được.
Ngày đến rồi ngày đi, sáng cũng như chiều, hắn lặng lẽ sống, lặng lẽ đi, lặng lẽ về, hắn nhìn đời dửng dưng và đi tìm hoài cái mênh mông trong vô tận. Thỉnh thoảng hắn lại viết, chấm ngón tay vào ngực, rồi nhoay nhoáy viết lên trời, dường như chỉ có trời mới đủ rộng để chất chứa tất cả những suy nghĩ buồn vui, hóm hỉnh của hắn, cho những tác phẩm viết lên khoảng không gian mênh mông vô tận ấy.


 Mùa đông năm 2000
                                                                                                                                          



http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif

Saturday, October 25, 2014

Tháng mười ơi ... giã biệt !




 Thôi ta về chôn mùa thu xuống cội
Cuối tháng mười trơ trọi lắm cành khô
Nắng thức trễ nhường sương mù qua lối
Những đàn chim giờ không biết đã về đâu ?

Thôi ta về gom mưa ngồi nhớ phố
Giọng cười giòn sót lại chút dư âm
Ly cà phê còn thơm lời tình tự
Biết bao giờ còn trở lại lần thăm

 Cuối tháng mười trời lập Đông tiếc nuối
Nắng hạ vàng , nắng thu nhạt buồn tênh
Nắng và em gói trăm lời tiềm thức
Nhúm lửa lòng chờ thức giấc cô miên

 Đêm nằm nghe tháng mười đi qua cửa
Chất ngất mùa thơ ấu vụt bay theo
Gió bí ẩn chui vào ngày lạnh ngắt
Thu nghẹn lòng níu chặt tháng mười ơi !




Bài hoạ của BằnglăngTím Tím




Cuối tháng mười mùa thu đi rất vội
Chiếc lá cuối cùng giữa bức tường rêu
Giọt sương mai đọng trên lá tinh khôi
Những chiếc lá về đâu!... đùa trên lối...

Cuối tháng mười giọt mưa chiều đan lối
Khúc nhạc trầm gợi lại chút trong tôi
Quán vắng buồn sóng sánh giọt ca fê
Lòng ao ước một ngày thu trở lại...

Cuối tháng mười khung trời se se lạnh
Nắng thu vàng còn sót vạt mong manh
Đông khe khẽ gót hài in trên tuyết
Gửi phương xa vòng tay ấm an lành...

Đêm tháng mười vầng trăng gầy nghiêng bóng
Cây trơ cành cho trời đất lập đông
Gió hây hẩy tháng mười trôi chầm chầm
Thu vỡ òa!... giữ được tháng mười không?...


http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif


Tuesday, September 30, 2014

Giọt buồn tháng chín




Tháng chín lại về  …nao nao nỗi nhớ
Thu nhẹ sang , buồn một thuở xa xưa
Mây xám ngắt rồi rơi thành mưa bụi
Vạt nắng hè đành cúi mặt bỏ đi …

Tháng chin buồn hiu hắt như mọi khi
Chim tung cánh bay vạt về bên ấy
Chợt có lúc ngẫn ngơ buồn … ai thấy
Ôm chuyện lòng mà khép kín niềm đau !

Tháng chín vội sang , thu về chớm lạnh
Có một người đã trở bước sang ngang
Một người sầu cho duyên kiếp bẽ bàng
Chẳng còn ai …đò đã sang bến vắng

Anh tìm về đây một vùng mây trắng
Em ra đi từ ấy vắng lời ca
Chưa bao gìờ khoãng trống được lần ra
Để hôm nay vẫn là mình ly biệt

Tháng chín ngày xưa nay thành kĩ niệm
Cứ theo về … cứ mỗi độ thu sang
Anh loay hoay rồi như hoài tìm kiếm
Chuyện thuở xưa hiện trong áng thơ buồn !



SN   30/9/2014 





http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif http://dl7.glitter-graphics.net/pub/729/729747d8za2kbusq.gif